Hiện nay computer quả thực là bửu bối vô song, là một công cụ đắc lực của ta trong việc học tập Hán ngữ lẫn thư pháp, nhưng theo truyền thống thì chỉ có bốn bửu bối trong văn phòng (văn phòng tứ bảo)
* Giấy (chỉ 紙) * Mực (mặc 墨) * Nghiên (nghiễn 硯) * Bút (bút 筆)
Giấy cho dân nhà nghề là giấy Tuyên 宣, thường gọi là «xuyến chỉ» (đọc trại của Tuyên chỉ 宣紙), mỏng như giấy quyến vấn thuốc hút, dùng cho cả thư pháp lẫn hội họa, nhưng đắt tiền. Giấy Tuyên có hai loại: sinh chỉ 生紙 (giấy sống, chưa dúng phèn, dùng cho thư pháp) và thục chỉ 熟紙 (giấy chín, đã dúng phèn, dùng cho hội họa). Việc luyện tập tốn rất nhiều giấy, ta nên dùng giấy thường miễn hút mực (như giấy báo) là được.
Mực có hai loại: mực thỏi và mực nước (mặc trấp 墨汁). Mực thỏi có chất keo, loại tốt thường có mùi xạ hương. Mực tốt thì sau khi viết xong, ta bồi tranh chữ không bị nhoè mực. Mực nước (mặc trấp) tiện dụng nhưng không đủ độ sánh, ta cần mài thêm mực thỏi để tăng độ sánh đặc. Cách dùng mực rất quan trọng, tạo ra các hiệu quả khác nhau trên từng chất liệu hay các loại giấy. Trong nghề gọi là mặc pháp 墨法 (phép dùng mực). Mài mực cũng là cách tập cổ tay trước khi cầm bút viết chữ. Nói chung viết chữ trên giấy không hút nước thì mực phải đặc, trên giấy hút nước như giấy tuyên thì mực hơi sánh. Đừng pha mực quá loãng.
Nghiên mực có các kiểu dáng khác nhau, nhưng nguyên tắc là có một độ nghiêng nhỏ để cho mực đọng về một phía. Khi mài mực thì nhỏ một vài giọt mặc trấp vào cho hơi ướt đáy nghiên. Rồi mài thỏi mực theo chiều kim đồng hồ, thỉnh thoảng nhỏ thêm vài giọt mặc trấp. Pha chế vừa đủ cho một lần sử dụng, không nên đổ quá nhiều mặc trấp vào nghiên. Mực dùng không hết sẽ đọng thành vẩy và cặn cáu trên nghiên.
Bút có nhiều loại: tiểu, trung, đại. Lông bút có loại cứng (như lông sói) có loại mềm (như lông thỏ) và có loại pha trộn các loại lông theo một tỉ lệ để thích hợp cho cả vẽ tranh lẫn viết chữ. Khác với cây bút của phương Tây là chủ yếu để viết chữ, mao bút của Trung Quốc có thể vừa viết chữ vừa vẽ tranh. Nói chung viết chữ nên dùng bút lông sói, còn vẽ tranh thì tùy theo trường hợp và tùy theo hiệu quả mong muốn mà ta sử dụng các loại bút khác nhau. Khi luyện thư pháp nên dùng bút cỡ trung để viết chữ Hán trong các ô vuông mỗi cạnh lớn chừng 5 hay 6 cm. Khi bắt đầu luyện tập thì phải đi từ chữ Khải. Không nên bắt đầu tập bằng tiểu khải (chữ Khải nhỏ chừng một phân vuông). Chỉ khi viết chữ to ta mới nghiên cứu được bút pháp và các bút thế. Khi thuần thục thì chữ viết phóng to thu nhỏ đều dễ dàng.
Các bộ phận của bút lông:
* Đào tuyến 陶線: sợi dây nhỏ ở một đầu quản bút, dùng treo bút lên giá bút sau khi sử dụng.
* Bút quản 筆管 (bút can 筆杆): quản bút, bằng trúc.
* Bút hào 筆毫: búp lông, giống búp sen chưa nở.
* Bút căn 筆根: phần búp lông dính với quản bút.
* Bút đỗ 筆肚: bụng búp lông.
* Bút phong 筆鋒 (bút tiêm 筆尖): ngọn bút.
* Bút mạo 筆帽: nắp bút (bằng trúc hoặc nhựa).
Viết xong, ta rửa sạch bút, móc đào tuyến vào một cái giá để ngọn bút quay xuống đất. Không nên dùng bút mạo vì nó dễ làm hư lông bút.
(Copy từ Internet)
No comments:
Post a Comment